Cánh cửa logistics trước cam kết WTO

18/02/2014

CAM KẾT WTO TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS

Theo cam kết, VN thực hiện tự do hóa dịch vụ logistics trong WTO và hội nhập ASEAN về logistics theo lộ trình 4 bước đến năm 2014 bao gồm: (1) Tự do hóa thương mại, dỡ bỏ rào cản thuế quan; (2) Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics; (3) Nâng cao năng lực quản lý logistics; (4) Phát triển nguồn nhân lực.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, VN cam kết cho các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập các liên doanh, với tỷ lệ góp vốn 49-51% để thực hiện kinh doanh các dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi… 3 năm sau, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài sẽ tăng lên và họ có thể thiết lập các công ty 100% vốn sau từ 5-7 năm. Và theo đúng lộ trình cam kết của VN khi gia nhập WTO, kể từ ngày 11.01.2014, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa. Như vậy là, lĩnh vực dịch vụ logistics chỉ còn thời gian ngắn để bước sang thời kỳ mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

THÀNH TỰU LOGISTICS VN SAU KHI GIA NHẬP WTO

Để việc đánh giá được đầy đủ về phát triển dịch vụ logistics VN trong khoảng thời gian 5 năm sau khi gia nhập WTO, cần đặt ngành logistics trong mối liên quan tổng thể các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng, khung khổ luật pháp - thể chế, người cung cấp dịch vụ logistics, người sử dụng dịch vụ logistics và nguồn nhân lực.

Theo đó, về cơ sở hạ tầng, so với thời điểm trước khi gia nhập WTO, chúng ta đã có rất nhiều tiến bộ mang tính đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển cảng biển trong đó có các cảng nước sâu với thiết bị và năng suất bốc dỡ ngang tầm khu vực, mở rộng đường nối các cảng với các khu công nghiệp và đô thị, phát triển đường cao tốc, phát triển thêm các cảng cạn, các khu logistics, trung tâm logistics, các hệ thống kho hiện đại, trung tâm phân phối và các trung tâm bán lẻ...

Hiện tại đã có trên 60 hãng tàu biển, 51 hãng hàng không quốc tế nổi tiếng đang khai thác các tuyến vận tải kết nối VN với toàn thế giới. So với thời gian trước đây, tuy không ồ ạt, nhưng nhờ vận dụng các phương thức hợp tác đầu tư mới mang tính đột phá, sau hội nhập WTO, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp logistics tầm cỡ trên thế giới đến đầu tư, hợp tác liên doanh với VN để tiến hành xây dựng các hạ tầng cơ sở logistics với các chuẩn mực điều hành quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng ta đã phát huy hiệu quả chương trình kết nối logistics trong khu vực ASEAN, Tiểu vùng sông Mekong, các hoạt động vận tải xuyên biên giới với hành lang Đông Tây… cũng được triển khai bước đầu có hiệu quả. Có thể lấy dẫn chứng sinh động để thấy sự phát triển trong lĩnh vực này, đó là sản lượng hàng hóa qua cảng biển VN đã tăng từ 181 triệu tấn vào năm 2007 lên 286 triệu tấn vào năm 2011 và năm 2012 là trên 300 triệu tấn. Sản lượng vận chuyển container cũng tăng nhanh, bình quân 10%/năm. Hệ thống tàu biển VN với hơn 60 tàu hàng, năm 2012 sản lượng khai thác đạt trên 8 triệu TEU. Và với trên 50 hãng hàng không hoạt động tại VN, sản lượng khai thác hàng hóa hàng không đạt trên 290.000 tấn trong năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng trung bình 10%/năm.

Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông cũng được đầu tư và phát triển khá nhanh phục vụ cho quá trình kết nối các hoạt động logistics, từ đó đã giúp cho việc giảm thời gian vận chuyển, đặc biệt là đem lại các giá trị gia tăng cho chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam.

Về khung khổ pháp luật, thể chế liên quan đến ngành logistics, theo cam kết và lộ trình hội nhập các lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics, Chính phủ và các bộ, ngành quản lý đã có những động thái tích cực. Bên cạnh Nghị định 140/2007/NĐ-CP của Chính phủ, hàng loạt các quy phạm pháp luật về giao thông vận tải, cảng biển, xuất nhập khẩu, hải quan, thuế... đã ra đời. Đáng chú ý, một đóng góp quan trọng trong việc cải tiến các thủ tục hành chính quốc gia vừa qua là Dự án 30 và đặc biệt là đổi mới trong lĩnh vực hải quan đã góp phần thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển.

Về các lĩnh vực khác, như cung cấp dịch vụ, sử dụng dịch vụ và nhất là nguồn nhân lực cho ngành logistics VN, do ngành logistics của chúng ta còn non trẻ, đi sau các nước phát triển nhiều thập kỷ, do vậy, muốn phát triển ngành này, trước hết phải từ yếu tố con người. Hiện nay VN đang xếp ở vị trí 53/155 quốc gia trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Sau khi phân tích các yếu tố chủ đạo để đánh giá sự phát triển ngành dịch vụ logistics VN, có thể thấy cái được lớn nhất trong thời gian qua là phát triển cơ sở hạ tầng với hình ảnh mới, kịp thời hình thành các thể chế tạo thuận lợi và nâng cao năng lực cạnh tranh của người làm dịch vụ logistics, tạo các kết nối hội nhập logistics trong khu vực và quốc tế, cũng như nâng cao việc áp dụng công nghệ thông tin, đưa quản trị logistics và chuỗi cung ứng vào với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, kể cả với các cán bộ quản lý vĩ mô, đây được cho là điểm sáng sau 5 năm gia nhập WTO của lĩnh vực này.

 

Cao Ngọc Thành