Doanh nghiệp Vận tải: Tăng giá hay là chết?

11/01/2014
Theo Tổng cục Thống kế, chỉ số giá cước vận tải 9 tháng đầu năm 2013 của cả nước tăng 7,2% - một con số không hề nhỏ trong bối cảnh nền kinh tế và DN đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Vận tải ôtô VN, điều này không thể đừng được, nếu không, DN vận tải chỉ có... phá sản.
 

Hiện nay, tại khu vực TP HCM, phí bảo trì đường bộ và
phí giao thông đường bộ chiếm tỉ lệ từ 10% - 15%/tổng doanh thu của một xe
.
 
Theo ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, mặc dù các DN vận tải đã cố gắng chịu đựng để cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng. tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều khoản chi phí đầu vào phát sinh và tăng cao, nhất là những khó khăn trong việc đóng phí bảo trì đường bộ, phí giao thông và giá dầu tăng buộc các DN vận tải phải tính đến giải pháp điều chỉnh giá cước vận tải tăng có giới hạn nhất định để bù đắp chi phí đầu vào của DN.

Tác động kép

Ông Quản cho rằng,các DN điều chỉnh tăng trên 7% so với cùng kỳ năm 2012 đến nay xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu : một là ngày 13/3/2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ. Tiếp đó, ngày 15/11/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành nghị định nói trên. Thông tư này có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2012. Theo quy định tại thông tư này, Nhà nước sẽ thu phí bảo trì đường bộ hàng năm trên đầu phương tiện xe cơ giới để tạo nguồn cho hoạt động duy tu bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, ngoài việc đánh phí chung trên đầu phương tiện, một số nội dung quy định chưa phù hợp với thực tế hoạt động của DN như : nhà nước thu phí trên cả thiết bị sơmi rơmoóc; thu phí đối với cả các phương tiện tạm dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân như xe không có hàng, xe bị hư hỏng phải duy tu bảo dưỡng, phương tiện tạm dừng do thiếu lái xe... cũng bị thu phí đã thực sự gây khó khăn cho DN. Ngoài ra, một số Trạm thu phí giao thông đường bộ khu vực Miền Đông Nam Bộ đã được Bộ Tài chính cho phép tăng phí giao thông lên gấp hai lần so với trước đây (như hai trạm thu phí trên quốc lộ 51). Tại TP HCM còn nhiều tuyến đường có thu phí giao thông, loại phí này - cùng với phí bảo trì đường bộ, có thể nói đang xảy ra tình trạng phí chồng phí. Hiện nay, tại khu vực TP HCM phí bảo trì đường bộ và phí giao thông đường bộ chiếm tỉ lệ từ 10 - 15%/tổng doanh thu của một xe.

Hai là : Trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã 9 lần điều chỉnh tăng, giảm giá dầu diesel (Do 0.025S và Do 0.05S ). Tính từ thời điểm ngày 28/12/2012 đến ngày 7/10/2013, giá dầu do tăng thêm 760 đồng/lít, tức tăng với tỉ lệ tăng 3,5%. Đối với các DN vận tải hàng hóa, chi phí Do chiếm ti lệ từ 35 - 40%/tổng chi phí hoạt động của DN. Giá vậy, việc Nhà nước giá Do tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù đã cố gắng chia sẻ cùng với khách hàng qua nhiều dầu lần tăng giá. Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng nói trên buộc các DN vận tải cũng phải điều chỉnh giá cước vận tải hàng tăng với tỉ lệ tương ứng khoảng 3,5% để bù đắp chi phí đầu vào cho DN.

Ba là : Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, bên cạnh chi phí nhiên liệu chiếm tỉ lệ cao nhất như đã nói trên, thì chi phí đầu tư cho vật tư, phụ tùng cũng chiếm khoảng 10%/tổng chi của mỗi DN. Tính từ đầu năm đến nay, giá vật tư phụ tùng trên thị trường đã tăng mạnh. điều này tác động đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Bốn là : Ngày 4 tháng 12 năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn người lao động. Nghị định này có hiệu lực áp dụng kể từ ngày 1/1/2013. Việc tăng lương tối thiểu cho người lao động là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trung bình cho các vùng khoảng 17,5% theo nghị định quy định đã tác động đến hoạt động kinh doanh của DN.Vì trên cơ sở quy định mới của Chính phủ, các DN vận tải cũng đã vận dụng tăng tiền lương cho người lao động lên tương ứng khoảng 17% so với trước đây.

Năm là : Ngày 28/8/2013, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 114/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn kỹ thuật và chất lượng linh kiện, xe cơ giới và các loại thiết bị, xe máy chuyên dùng. Theo đó, mức thu phí kiểm định an toàn kỹ thuật xe cơ giới đã tăng lên 40% so với trước đó. Quy đinh mới này cũng đã tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các DN vận tải hàng hóa, cụ thể là làm tăng chi phí đầu vào của DN.

Sáu là : Chi phí không có hóa đơn, chứng từ ngày càng tăng. Mức tăng loại chi phí này tỉ lệ thuận với mức tăng xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, hiện nay loại phí ngoài luồng này đang chiếm khoảng 7%/doanh thu/tháng của một chuyến xe.

Tránh tăng giá bất hợp lý

Từ những phân tích trên, ông Bùi Văn Quản kiến nghị : Giá cước dịch vụ vận tải hàng hóa là đầu vào của các DN sản xuất, vì vậy để hạn chế việc tăng giá dịch vụ, hàng hóa trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm 2013, là thời điểm hàng hóa vận chuyển nhiều nhất trong năm, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trung ương cần ổn định giá dầu diesel, điều chỉnh những bất hợp lý trong thu phí bảo trì đường bộ, phí giao thông đường bộ...

Cùng với suy nghĩ này, ông Đỗ Xuân Phú -  Giám đốc DN vận tải ở TP HCM cho biết : trong những nguyên nhân làm tăng chi phí vận tải, điều đáng lưu ý là có những nguyên nhân làm tăng giá bất hợp lý -  đã được các DN phản ánh và kiến nghị rất nhiều. Đó là một số quy định chưa phù hợp với thực tế hoạt động của DN như chính sách thu phí bảo trì đường bộ. Với quy định thu phí thiết bị sơmi rơmoóc và thu phí xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc là tồn tại bất hợp lý nhất. Hai thiết bị này chỉ là một phương tiện, sao lại tách ra hai thiết bị riêng biệt để thu phí. Việc thu phí đối với cả các phương tiện tạm dừng hoạt động (do nhiều nguyên nhân như xe không có hàng, xe bị hư hỏng phải duy tu bảo dưỡng, phương tiện tạm dừng do thiếu lái xe... cũng phải được xem xét lại. Có DN đã điêu đứng vì gần 50% lượng xe đầu kéo phải nằm bãi không hoạt động từ đầu năm đến nay, nhưng ngành đăng kiểm buộc phải đóng phí bảo trì đường bộ mới cấp giấy đăng kiểm cho hoạt động trở lại. Từ tháng 5/2013 Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Tài chính thay đổi quy định này, nhưng hơn nửa năm nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có “động thái” nào để điều chỉnh Thông tư hướng dẫn. Mong muốn lớn nhất của DN vận tải hiện nay là các cơ quan chức năng nhà nước cần nhanh chóng, điều chỉnh cơ chế chủ trương chính sách, để việc tăng giá, nếu có - thì đó là sự tăng giá hợp lý.

dddn.com.vn
Đăng Nguyên