Quá muộn cho doanh nghiệp trong nước?

13/01/2014
1.000 DN logistics trong nước chỉ giữ được 10-18% thị phần, còn 200 doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh chiếm tới hơn 70% thị phần còn lại… Trong khi, kể từ ngày 11/01/2014, nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài để cung ứng các dịch vụ kho bãi và dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa. Dường như mọi hành động lúc này đã là quá muộn cho các DN logistics trong nước?


Các DN logicstic chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, tạo sự gắn kết với các DN xuất nhập khẩu, dẫn đến việc nhiều DN xuất nhập khẩu phải chịu các loại chi phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN ra thế giới.

TS Mai Xuân Thiệu - Viện trưởng Viện Logistics cho biết, mặc dù VN có từ 1.000 - 1.200 DN logicstics, nhiều hơn Singapore và Thái Lan nhưng có đến 80% DN có vốn đăng ký chỉ từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Ngay cả số DN Nhà nước sau khi cổ phần hoá từng bộ phận đã hình thành các Cty cổ phần nhưng vốn cũng chỉ khoảng 5 tỷ đồng. Với quy mô vốn này, khả năng giữ chân tại thị trường trong nước còn khó chứ chưa nói đến việc chen chân vào các thị trường logistics thế giới, bởi đơn cử muốn ký vận đơn vào Mỹ, DN phải ký quỹ 150.000 USD.
 
Nhỏ và yếu
 
Thực tế, từ năm 2007, các nhà đầu tư đã bắt đầu xây dựng các trung tâm logistics tại VN, một số trung tâm đã đi vào hoạt động và phần nào góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành logistics VN, dù những trung tâm này vẫn còn trong giai đoạn hoạt động sơ khai và chưa hiệu quả. Đến năm 2012, cả nước có khoảng 6 trung tâm logistics, trong đó 3/6 trung tâm logistics đặt tại Bình Dương, 3 trung tâm còn lại nằm ở Hải Phòng, Quảng Ninh và Tp.HCM. Đó là: trung tâm logistics Cái Lân – VOSA (Quảng Ninh), Trung tâm Green - Đình Vũ (Hải Phòng), trung tâm Geodis Wilson Cát Lái (Tp.HCM), trung tâm tiếp vận Schenker Gemadept, trung tâm Gemadept Sóng Thần và trung tâm kho vận đa năng DAMCO (Bình Dương). Ngoài ra còn có một số trung tâm đang được xây dựng mới hoặc cấp phép đầu tư, cấp đất như Kerry Hưng Yên, Kerry Đà Nẵng, trung tâm Kim Thành Lào Cai….
 
Tuy nhiên, nếu phân loại theo tiêu chí hạng 1 (cấp quốc gia) và hạng 2 (cấp vùng) thì đến 2012, toàn quốc chỉ có 1 trung tâm logistics đủ tiêu chí xếp hạng 2 là trung tâm Geodis Wilson Cát Lái, 5 trung tâm còn lại chưa đủ điều kiện xếp hạng vì có diện tích dưới 10 ha.
 
Bên cạnh các trung tâm logistics mới hình thành và phát triển, một số loại hình khác cũng thực hiện cung cấp dịch vụ logistics như các trung tâm kho vận, các ICD (cảng cạn)…
 
Theo Hiệp hội Giao nhận kho vận VN (VIFFAS), số lượng DN đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang tăng nhanh, ước từ khoảng 700 DN năm 2007 lên gần 1.200 DN năm 2012, tương đương với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singrpore, Indonesia… Song về tỷ trọng thì các DN logistics năm 2007 chỉ chiếm khoảng 7,2% trong tổng số DN vận tải, kho bãi và 0,4% tổng DN cả nước. Đến 2012, số DN này chỉ chiếm 0,2% tổng DN.
 
Viện nghiên cứu Nomura Nhật Bản, cho biết các DN logistics trong nước chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu thị trường. Điều này là do thực chất đến năm 2012 chỉ có 10% DN hoạt động trong ngành giao nhận kho vận là thực sự cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh đó, gần như không có nhà cung cấp nào cung cấp được dịch vụ vận chuyển xuyên suốt trên toàn lãnh thổ VN kết nối với thị trường quốc tế với chi phí cạnh tranh, mà phải qua các nhà cung cấp dịch vụ của từng chặng. Trong khi đó, với tính chuyên nghiệp và mạng lưới rộng khắp, hơn 70% thị phần trong nước đã rơi vào tay các DN nước ngoài và liên doanh.
 
Phải cùng chiến tuyến với DN XNK

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra nguyên nhân sự yếu thế của các DN logistics nội. Đó là, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, trình độ công nghệ lạc hậu, chụp giật lẫn nhau, chấp nhận làm thuê cho bên thứ 3 ngay tại địa bàn của mình… Bên cạnh đó, các DN chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, tạo sự gắn kết với các DN xuất nhập khẩu. Điều này dẫn đến việc nhiều DN xuất nhập khẩu phải chịu các loại chi phí cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN ra thế giới. Cụ thể, chi phí DN sản xuất, xuất khẩu phải chi trả cho hoạt động logistics tại VN thường cao hơn 1 - 1,5 lần so với các nước trong khu vực và cao gấp 2 - 3 lần so với cùng chi phí này tại các nước phát triển. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng không phủ nhận, sở dĩ có thực trạng này một phần do thể chế và khung pháp lý về logistics còn chậm trễ, thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa được đầu tư đúng tầm...
 
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, việc giảm chi phí logistics chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế VN tăng được sức cạnh tranh trong một môi trường hội nhập ngày càng khốc liệt. Và năm 2014 - một bước ngoặt mới cho các DN logistics VN, thời kỳ mà sự sàng lọc thị trường sẽ nghiệt ngã hơn; chắc chắn ngoài sự nỗ lực và chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân các DN dịch vụ logistics, Chính phủ, các bộ ngành cũng như các địa phương phải tích cực hỗ trợ các DN, nhà đầu tư thông qua các cơ chế ưu đãi, chính sách thông thoáng, thuận lợi, trong đó phải sửa đổi một số quy định liên quan đến lĩnh vực logistic.
 
“Hiện VN đã tham gia tám hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. VN cũng đã đàm phán sáu hiệp định thương mại tự do khác. Mục tiêu lớn nhất các hiệp định hướng tới là tự do hóa thương mại xuất khẩu tạo hoạt động thuận lợi cho các DN. Việc tận dụng hiệp định thương mại tự do trong tình hình hiện nay cũng là cơ hội để phát triển xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics… Do đó, các DN logistics, các DN vận tải biển (kể cả DN bảo hiểm và ngân hàng…) phải liên kết, đứng cùng “chiến tuyến” với các DN XNK, nhằm cung cấp giải pháp tối ưu, tin cậy, bảo đảm chuỗi cung ứng hiệu quả. Đây chính là bước quan trọng để củng cố, gia tăng thị phần vận tải biển và logistics đối với hàng hóa xuất khẩu VN khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sắp tới, cũng như việc mở cửa thị trường này theo cam kết của WTO” - Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.