Chỉ vì thiếu container rỗng tại cảng Cái Mép, nhiều DN phải vận chuyển hàng hóa ngược hàng trăm km lên TP HCM đóng hàng rồi chuyển xuống cảng Cát Lái để xuất khẩu. Thực tế này khiến nhiều DN tại Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu không chỉ tốn thời gian, chi phí vận chuyển mà còn giảm sức cạnh tranh.
Nhiều DN đặt nhà máy tại Phú Mỹ nhằm khai thác vị trí quan trọng của
cảng Cái Mép nhưng lại phải vòng vèo đến cảng Cát Lái để xuất hàng.
Tập đoàn Hoa Sen là một ví dụ. “Bên cạnh nhà máy tại Bình Dương, Tập đoàn này đã đặt thêm nhà máy tại Phú Mỹ do vị trí quan trọng của cảng Cái Mép. Ngoài ra, tại Phú Mỹ còn có khí đồng hành, điện lưới quốc gia công suất lớn, rất thuận lợi cho sản xuất xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay DN vẫn chưa tận dụng được lợi thế này” - ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ.
Khổ vì cảng thiếu liên kết
Hiện nay, hàng hóa sản xuất tại Phú Mỹ phải chuyển đến Bình Dương để đóng container sau đó vận chuyển từ Bình Dương đến cảng Cát Lái để xuất khẩu. Bên cạnh chi phí vận chuyển lòng vòng khá lớn, DN này phải tốn thêm chi phí nâng hạ tại Bình Dương. Nếu đóng hàng trực tiếp tại Phú Mỹ thì cũng phải kéo container rỗng từ khu vực TP HCM xuống Phú Mỹ, đóng hàng xong phải vận chuyển container từ Phú Mỹ lên cảng Cát Lái để xuất khẩu. Như vậy, chi phí vận chuyển này cũng rất lớn do chênh lệch giữa chi phí vận chuyển container rỗng và container có hàng là không nhiều. “Với số lượng hàng hóa xuất khẩu lớn - khoảng 30.000 tấn tôn với trên 1.000 container, nhà máy cần rất nhiều đầu xe vận chuyển xuôi, ngược giữa hai địa điểm tạo thêm áp lực cho vận tải đường bộ” - ông Phước cho biết.
Theo ông Phước, đây là sự lãng phí vô cùng lớn đối với DN và xã hội khi gần khu vực Phú Mỹ có cảng nước sâu Cái Mép hoàn toàn có đủ điều kiện cho các tàu có tải trọng lớn cập cảng. Thế nhưng, nghịch lý là tại cảng Cái Mép lại chỉ có tàu đi Châu Âu, Châu Mỹ, không có tàu đi Đông Nam Á. Muốn đi Đông Nam Á, DN buộc phải chuyển hàng lên Cát Lái. Vấn đề này không chỉ riêng Tập đoàn Hoa Sen mà rất nhiều DN trong KCN Phú Mỹ đang gặp phải.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự là trường hợp của Cty Thép Pomina, toàn bộ nguyên liệu được nhập khẩu qua cảng Cái Mép, từ cảng cái này về nhà máy chỉ 2 km - đáng lẽ chi phí logistics rất thấp, nhưng khi sản xuất xong, nhiều đơn hàng phải chở hàng lên TP HCM mới có thể xuất. Bà Lê Thị Duyên - Phòng Marketing Cty CP Thép Pomina cho hay : “Tháng 9 vừa rồi, Cty xuất lô hàng hơn 200 tấn thép sang Philippinld phải chở lên tận cảng Cát Lái để bốc lên tàu làm đội chi phí vận chuyển gấp 5 lần so với làm hàng tại tại Cái Mép”.
Điều phối container thế nào?
Lý do container ít nằm ở cảng Cái Mép xuất phát từ thực tế : Do năng lực thông qua của Cái Mép khoảng hơn 5 triệu tấn, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua rất kém : Năm 2011 : 546.000 container, năm 2012 chỉ có 1,71 triệu container, 10 tháng đầu năm 2013 có 782.000 container. Lượng container rất ít nên Cái Mép buộc phải chuyển container rỗng về Cái Lái.
Trước thực trạng hiện nay, ông Vũ cho rằng : “Nhà nước cần có định hướng quy hoạch các KCN gần cảng để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách điều phối hoạt động của các hãng tàu để triển khai hoạt động tại nhiều cảng khác nhau tại VN nhằm khai thác triệt để công suất của các cảng; Giải phóng nguồn hàng hóa xuất khẩu tại từng địa điểm, tránh việc quá tải tập trung vào một số cảng chính. Ngoài ra, DN mong muốn có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý cảng Cát Lái, Cái Mép và các hãng tàu để có thể bố trí các container rỗng cũng như các tuyến hoạt động tại khu vực cảng Cái Mép, tạo thuận lợi cho DN trong khu vực có thể xuất hàng đi mà không phải vận chuyển lên cảng Cát Lái”.