Phí bảo trì đường bộ: Cần điều chỉnh cho phù hợp

01/01/1990
Phí bảo trì đường bộ chính thức được áp dụng đối với ô tô bắt đầu từ ngày 1/1/2013, tuy nhiên, đến nay, quỹ này được triển khai sử dụng như thế nào vẫn là một dấu hỏi. DĐDN đã có cuộc phỏng vấn ông Bùi Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM về vấn đề này.

Ông Cường cho biết, theo số liệu cung cấp của Cục Đăng kiểm Việt Nam, doanh thu từ phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô của TP HCM 8 tháng đầu năm 2013, các Trung tâm Đăng kiểm đóng trên địa bàn đã thu được 650.324.295.985 đồng. Hiện nay, toàn bộ số tiền này đã được nộp vào Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương theo quy định.
 
- Được biết, quỹ này đã được phân bổ về các địa phương, thưa ông ?
 
 Ngày 27/8/2013, Quỹ bảo trì đường bộ trung ương đã có Quyết định số 28/QĐ-QBTĐBTW về việc phân chia nguồn 35% thu phí ô tô từ Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho các Quỹ bảo trì đường bộ địa phương năm 2013, theo đó, TP. HCM được phân bổ về 65,539 tỷ đồng.
 
- Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã có kế hoạch sử dụng nguồn Quỹ vào những công trình cụ thể nào ?
 
Việc phân bổ sử dụng nguồn Quỹ này không phải do Sở Giao thông quyết định mà do Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ. Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã có văn bản kiến nghị UBND TP HCM sớm thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ TP HCM để tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí đã được phân bổ.
 
Trước mắt nguồn Quỹ này sẽ được nhập vào ngân sách thành phố và dùng để điều tiết chung cho việc duy tu bảo trì đường bộ.
 
- Thưa ông, việc chậm trễ trong việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ sẽ ảnh hướng tới tiến độ bảo trì đường bộ của TP, trong khi DN đang rất vất vả trong vận chuyển lưu thông hàng hóa do cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo được yêu cầu ?
 
Từ trước tới nay nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố đều do Ngân sách cấp mà chưa có các nguồn thu khác. Nay được bổ sung thêm nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ, thì công tác duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông đường bộ sẽ được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nguồn thu này cũng còn rất hạn chế, do vậy, thành phố chỉ tập trung giải quyết một số công việc cấp bách mà không thực hiện đầy đủ khối lượng công việc bảo dưỡng thường xuyên, không tiến hành sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn, sửa chữa vừa) theo đúng kỳ hạn quy định.


Sở GTVT TP HCM đang rà soát để kiến nghị UBND TP HCM đưa ra phương án xử lý
đối với trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, tránh việc các phương tiện vận tải
bị thu phí qua trạm này khi đã nộp phí bảo trì đường bộ.
 
Mặt khác, do lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường bộ tăng cao hơn nhiều so với mức dự báo đã dẫn đến hệ thống cầu, đường bộ xuống cấp, không phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì không những không thúc đẩy mà còn kìm hãm phát triển kinh tế. Vì vậy, việc thu phí sử dụng đường bộ thông qua đầu phương tiện sẽ bổ sung thêm nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ, kịp thời sửa chữa những đoạn đường bị xuống cấp, đảm bảo an toàn giao thông, giảm dần nguồn kinh phí của ngân sách cấp. Đồng thời, sẽ có thêm nguồn kinh phí để sửa chữa định kỳ đường bộ và người nộp phí sẽ được sử dụng đường bộ ổn định, an toàn.
 
Tuy nhiên, thực tế cũng có khó khăn do trong giai đoạn đầu triển khai, nguồn thu của Quỹ chưa ổn định, còn quá ít so với nhu cầu bảo trì đường bộ, vì vậy cần được bổ sung phần lớn từ ngân sách nhà nước. 
 
- Thưa ông, từ khi triển khai phí BTĐB đến nay đã nảy sinh quá nhiều bất cập trong quy định, gây khó cho DN vận tải. Quan điểm của Sở về vấn đề này ?
 
Về lâu dài, các các cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh về  mức thu, đối tượng được miễn giảm cho phù hợp thực tiễn. Đồng thời cách thức quản lý đối tượng đã nộp phí hoặc chưa nộp phí… làm thế nào phải thật đơn giản, thuận tiện cho DN; cần hạn chế thấp nhất tình trạng thu phí chưa hợp lý; cần ứng dụng công nghệ trong việc thu phí chi phí…
 
- Nhiều DN phản ánh trong địa bàn TP HCM có quá nhiều trạm thu phí đường bộ, thưa ông?
 
Phí bảo trì đường bộ là loại phí nhằm mục đích quản lý, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ hiện có nhằm duy trì tình trạng hoạt động của các tuyến đường. Từ khi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ ra đời, các Bộ ngành đã nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012 về việc giao xóa bỏ, dừng thu từ ngày 01/01/2013 đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay. Theo tinh thần của Văn bản số 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012, TP HCM đã tiến hành rà soát và xóa bỏ các trạm thu phí thuộc đối tượng nêu trên. Đến nay, trên địa bàn thành phố chỉ còn 4 trạm thu phí giao thông đường bộ phục vụ mục đích hoàn vốn các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT là cầu Phú Mỹ, Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, cầu Bình Triệu, cầu Rạch Chiếc. Riêng trạm thu phí trên đường Nguyễn Văn Linh, Sở GTVT đang rà soát để kiến nghị UBND TP HCM đưa ra phương án xử lý trong thời gian tới. Sở GTVT sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thu phí giao thông trên địa bàn thành phố, bảo đảm chỉ thu phí tại các trạm thu phí để phục vụ hoàn vốn xây dựng, nâng cấp các công trình giao thông, không thu phí tại các trạm này để bảo trì để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình.